làm mẹ đơn thân: nên ủng hộ hay phản đối?
Việc
làm mẹ đơn thân là một việc không mới, nếu không muốn nói là quá phổ
biến ở các nước phương Tây, như ở Mỹ chẳng hạn. Nó phổ biến đến nỗi
trong thực tế cuộc sống của tôi, nếu một phụ nữ Mỹ còn trẻ (đặc biệt là
phụ nữ da màu) vui miệng nói với tôi về đứa con của họ, tôi chẳng bao
giờ hỏi về cha của đứa bé cả. Lý do là vì tôi muốn tránh cho họ khỏi
phải nói về mối quan hệ tình cảm đã gãy đỗ của họ. Mối liên hệ còn lại
duy nhất giữa những người phụ nữ này với những người cha của những đứa
trẻ là khoản tiền trợ cấp nuôi con mà những người phụ nữ này nhận được
hàng tháng. Khoản tiền này được khấu trừ thẳng vào tiền lương của những
người đàn ông nên không có cách gì họ trốn chạy được.
Trước
tiên, phải nói thẳng rằng làm mẹ đơn thân ở Mỹ rất... sướng. Họ được
luật pháp bảo vệ rất chặt chẽ. Chỉ cần lúc khai sinh đứa bé, họ khai tên
người đàn ông nào là cha của đứa bé, thì dù có kết hôn hay không, luật
pháp cũng cưỡng chế người đàn ông phải gửi tiền trợ cấp cho người mẹ để
nuôi con cho đến khi đứa trẻ được 18 tuổi. Nếu người đàn ông chối bỏ
không nhận thì đã có biện pháp thử ADN để tìm ra sự thật. Ngoài khoản
trợ cấp hàng tháng đó, mỗi năm lúc khai thuế thu nhập, những người mẹ
đơn thân lại được chính phủ trợ cấp một khoản tiền khoảng vài nghìn đô
la Mỹ cho mỗi đứa trẻ. Nói chung, người mẹ đơn thân có thể nuôi con một
cách thoải mái mà không gặp khó khăn gì nhiều về mặt tài chính. Xã hội
Mỹ cũng là một xã hội rất tôn trọng cuộc sống riêng tư, nên những người
mẹ đơn thân cũng không bị áp lực gì nhiều với dư luận xung quanh.
Bây
giờ, xin được đề cập đến việc làm mẹ đơn thân ở VN. Quay lại thời xã hội
VN còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi những tư tưởng phong kiến, việc không
có chồng mà lại có con là một điều ô nhục lớn và người phụ nữ có thể bị
làng tổng trừng phạt bằng biện pháp gọt đầu, bôi vôi hay thậm chí, thả
bè chuối trôi sông. Do đó, việc phải làm mẹ đơn thân lúc ấy là một tai
ương thảm khốc đối với số phận người phụ nữ, chẳng ai lại lựa chọn điều
bất hạnh đó cả. Ngày nay, dĩ nhiên không còn những thứ hình phạt tàn
nhẫn đó nữa và xã hội cũng đã cởi mở hơn nhiều lắm với việc này. Tuy
vậy, thực tế cuộc sống cho thấy là việc làm mẹ đơn thân ở VN vẫn là một
việc làm còn gặp khá nhiều thử thách về mặt tài chính, cũng như về mặt
dư luận.
Dư
luận đối với những người phụ nữ không chồng mà lại có con, dù rằng không
còn quá khắc nghiệt nữa, nhưng cũng không hẳn là hoàn toàn khoan dung.
Họ sẽ phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của gia đình, người thân. Ai cũng
muốn lánh xa họ để trốn tránh cái-điều-được-gọi-là-sự-tủi-nhục mà họ
mang đến. Do đó, họ dễ lâm vào tình trạng thân gái một mình nuôi con
dưới cái nhìn e dè, thương hại pha chút mỉa mai và châm biến của người
đời. Trong đa số trường hợp, những người đàn ông đều đã "cao chạy, xa
bay" và pháp luật VN chưa có một điều luật nào để cưỡng chế trách nhiệm
đối với những người đàn ông đó cả. Tìm việc làm, đối với một người phụ
nữ bình thường, đã là điều khó khăn, thì đối với họ càng trở nên gian
nan hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nhìn xung quanh, xã hội lại chưa có
một nỗ lực cụ thể nào để giúp đỡ những người như họ.
Quả
thực, xét thật kỹ, quyết định làm mẹ đơn thân ở VN, cho dù ở dưới bất kỳ
tác động nào đi nữa, cũng là một hành động thật... dũng cảm. Cuộc sống
khó khăn, người thân ghẻ lạnh, người tình hất hủi, người đời gièm pha:
Tất cả dường như quay lưng, chống lại họ trong suốt quá trình họ "đi
biển một mình". Bất chấp mọi thứ, họ đã "ngậm đắng nuốt cay" để bảo vệ
hòn máu rơi của mình, để được làm một người mẹ lương thiện. Điều đó há
chẳng phải là quá dũng cảm hay sao? Hòn máu rơi đó có thể là kết quả của
một thái độ sống sai lầm, cũng có thể chỉ là hậu quả của việc gặp phải
một anh chàng người tình họ Sở; nhưng dù như thế nào, việc giữ gìn và
bảo vệ nó, thách thức mọi khó khăn để nó được ra đời và lớn lên trong
những điều kiện tốt đẹp nhất có thể, là một hành động, xét ra, thật đáng
thương và thông cảm hơn là... đáng trách.
Đã có
nhiều phụ nữ ngày hôm nay, với nhiều lý do khác nhau, đã lựa chọn để làm
một người mẹ đơn thân như thế. Dù rằng, trong cuộc sống hôm nay, người
phụ nữ được xem là hoàn toàn bình đẳng với người đàn ông, cả trong gia
đình và ngoài xã hội; nhưng xét về mặt cấu trúc tâm sinh lý, người phụ
nữ vẫn luôn là "phái yếu". Như một thôi thúc bản năng, họ luôn cảm thấy
mình mong muốn, kiếm tìm một chỗ dựa để mình có thể tựa vào, về mặt thể
xác lẫn tâm hồn. Vậy thì tại sao lại có một sự lựa chọn như vậy? Tất
nhiên là họ có những lý do riêng của họ, có những lý do nói ra được, và
có những lý do "khó nói".
Ngoài
lý do tình phụ như đã có nêu phía trên, phía sau quyết định ấy là cả một
quá trình nghĩ suy, dằn vặt của người phụ nữ. Là một người phụ nữ, ai
cũng mong muốn sớm có được một mái ấm gia đình hạnh phúc với người đàn
ông mà mình yêu thương. Nhưng chữ duyên phận là điều khó nói. Có những
phụ nữ không may mắn trên con đường tình duyên của mình, trong khi đó
thì tuổi thanh xuân con gái lại trôi qua nhanh quá. Bản năng làm mẹ là
bản năng thiêng liêng của người phụ nữ, không ngừng thôi thúc họ trong
suốt khoảng đời thanh xuân; nên có một lúc nào đó, cái ước muốn thiết
tha cháy bỏng ấy dẫn họ đến cái hành động trao thân để có cơ hội cho một
sinh linh bé nhỏ của riêng họ chào đời, âu đó cũng chỉ là một hành động
bản năng rất... người. Chừng nào mà sự ra đời của sinh linh bé bỏng ấy
không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của bất kỳ ai khác, thiết nghĩ việc
làm mẹ đơn thân ấy thật đáng... thông cảm. Có ai lại nỡ đi trách cứ cái
bản năng làm mẹ hết sức tự nhiên ấy của người phụ nữ?
Có một
điều nữa ẩn sau cái quyết định làm mẹ đơn thân của người phụ nữ là việc
họ không muốn bước vào, cũng như bị ràng buộc, bởi cuộc sống vợ chồng
với một người đàn ông. Qua kinh nghiệm trực tiếp hay gián tiếp, họ đã
nhìn thấy nhiều gia đình mà trong đó người đàn ông là những người gia
trưởng, độc đoán, đối xử hà khắc và tàn bạo với vợ con của mình. Họ cũng
đã có dịp nhìn thấy và không khỏi băn khoăn, lo sợ khi thấy có nhiều
người đàn ông thay đổi thật nhanh và đáng sợ ngay sau ngay khi kết hôn,
từ một người tình lãng mạn và dịu dàng thành một người chồng chiếm hữu
và thô bạo. Thái độ e dè và lo ngại đó là điều nhắc nhở cho một bộ phận
đàn ông Việt hãy nhìn lại cách hành xử đối với người bạn đời của mình
trong đời sống vợ chồng.
Tóm
lại, làm mẹ đơn thân là một điều còn khá mới mẻ ở VN, mà người tiên
phong và mạnh mẽ công khai có thể xem là ca sĩ P.T. của nền showbiz
Việt. Với những thuận lợi cá nhân (như sự cảm thông của người thân, khả
năng tài chính... ), cô đã hoàn thành tốt việc làm mẹ đơn thân của mình
và không ngừng tự hào về "người đàn ông trong bóng đêm" của cô. Tuy
nhiên, nên hiểu rằng đó là một trong những ngoại lệ may mắn hiếm hoi.
Qua những gì tôi vừa trình bày ở trên, có thể thấy rằng việc làm mẹ đơn
thân ở VN vẫn còn phải đương đầu với vô vàn khó khăn, và do đó, để đảm
bảo việc nuôi dạy con tốt, người phụ nữ cần có một suy nghĩ thật kỹ
lưỡng và chín chắn cho quyết định này. Và cho dù quyết định đó được thực
hiện bởi bất kỳ động cơ gì, chúng ta cũng nên hiểu là, nếu có một sự
lựa chọn tốt hơn thì lẽ tự nhiên là không đời nào có người phụ nữ lại
quyết định như vậy. Suy nghĩ cho cùng, theo ý kiến chủ quan của tôi,
quyết định ấy cần sự thông cảm, sẻ chia của mọi người hơn là thái độ...
kết án.
nguồn: yume
Thực ra, nguồn gốc sâu xa của tệ kỳ thị mẹ đơn thân chính là thói phong kiến, gia trưởng của đàn ông. Và một phần, dù không lớn lắm, cái thói xấu ấy lại được hun đúc thêm bởi tật ngồi lê đòi mách của chính một số những người phụ nữ.
ReplyDeleteAnh nghĩ, xã hội nếu có đàm tiếu về các bà mẹ đơn thân thì suy cho cùng, cũng chỉ một tầng lớp, một số người mà thôi. Mà cái số này càng ngày càng ít cho mà xem.
Theo anh, đàn ông mà đàm tiếu các bà mẹ đơn thân thì dứt điểm phải cắt... còn phụ nữ mà đàm tiếu các bà mẹ đơn thân thì phải xẻo...! Hì!
Cuối cùng, anh nghĩ không nên dùng từ thông cảm với các bà mẹ đơn thân, mà phải dùng từ bình đẳng. Bản thân từ thông cảm cũng đã cho ta thấy tư duy của người dùng nó, ít nhiều đang kỳ thị các bà mẹ đơn thân rồi. Hic!
Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh,làm mẹ đơn thân chẳng có gì là mới mẻ cả. Khi mà giá trị cuộc sống gia đình Việt hiện nay đang bị xuống cấp trầm trọng, rất nhiều phụ nữ đã lựa chọn cách làm mẹ đơn thân. Làm mẹ đơn thân chẳng có gì là xấu, họ cũng không cần sự cảm thông của người đời và xã hội.
ReplyDeleteĐiều quan trọng nhất khi quyết định làm mẹ đơn thân là phải làm chủ được cuộc sống của mình và có trách nhiệm nuôi dậy của các con mình nên người, có ích cho xã hội.
Phụ nữ có tri thức, có kinh tế, có sự cân bằng tốt thì thường thích sống tự do, i như nam giới. Và họ có quyền và có khả năng nuôi con một mình he he...
ReplyDeleteCái gọi là những giá trị truyền thống (Á Đông) luôn đứng về phía đàn ông bởi vì xã hội ấy đàn ông làm chủ. Xã hội VN vốn coi trọng hôn nhân nhưng lại không coi trọng chất lượng đời sống của hôn nhân. Điều này dẫn đến ngày càng nhiều các bà mẹ đơn thân - kể cả đã ly hôn. Truyền thống vẫn kỳ thị đối với phụ nữ một mình nuôi con nói chung, kể cả chủ động không có chồng mà có con hoặc bỏ chồng.
ReplyDeleteCòn đàn ông VN, - xin lỗi anh Thụy nhé - phần lớn là đạo đức giả. Em sợ :(